Sáng 1/10, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 và lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC).
Cùng tham dự có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; các đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia, nhà khoa học.
Ngày hội do Bộ KH&ĐT cùng các bộ, cơ quan liên quan phối hợp tổ chức, với sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu trực tiếp, 10.000 đại biểu trực tuyến, cùng hàng chục nghìn đại biểu tham dự các hoạt động tổ chức trong 2 ngày 1 và 2/10.
Tại ngày hội, nhiều hội thảo, diễn đàn được tổ chức về 4 chủ đề chính mang tính thời sự: Doanh nhân và thế hệ trẻ Việt Nam trước làn sóng trí tuệ nhân tạo và công nghiệp bán dẫn; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong giáo dục đại học Việt Nam; cơ hội nghề nghiệp từ các công nghệ mới; hợp tác quốc tế nhằm phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn.
Sự kiện có sự đồng hành của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước, như: Petrolimex, Viettel, Sovico Group, T&T Group, Thaco, Visa, MoMo, CT Group… và lãnh đạo các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, như Chủ tịch Tập đoàn Meta phụ trách các vấn đề toàn cầu Nick Clegg, Phó Chủ tịch cấp cao toàn cầu Tập đoàn Nvidia Raymond Teh, Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ chính phủ toàn cầu Tập đoàn Qualcomm Becky Fraser, lãnh đạo cấp cao điều hành từ AMD, Intel, Qorvo, Samsung…
Tại buổi lễ, 5 giải pháp tiêu biểu xuất sắc nhất tham gia chương trình “Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024” (VIC 2024) do NIC và Meta đồng tổ chức được Thủ tướng Chính phủ vinh danh, gồm: Cadence (tập đoàn hàng đầu trên thế giới về công cụ tự động hóa thiết kế điện tử và thiết kế vi mạch) và Nexus Photonics (công ty thiết kế chip quang học do người Việt Nam đồng sáng lập) trong lĩnh vực bán dẫn; 3 đại diện FPT, Viettel và CHOSEN (đến từ Thái Lan) trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Trước khi diễn ra lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham quan khu trải nghiệm công nghệ tiên tiến, trưng bày sản phẩm, giải pháp mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và chuyển đổi xanh, trong đó có không gian triển lãm của “siêu cảng” ICD Vĩnh Phúc (Việt Nam SuperPortTM) do liên doanh T&T Group-YCH (Singapore) hợp tác phát triển với lộ trình chuyển đổi số, ứng dụng các tiến bộ công nghệ.
Thủ tướng cũng thăm gian hàng của Viettel với tổ hợp robot chia chọn thông minh, máy bay không người lái được thiết kế để vận chuyển hàng hóa; hệ sinh thái sản phẩm ORAN 5G, hệ thống mạng riêng 5G (5G Private), Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc hiện là trung tâm dữ liệu lớn nhất tại Việt Nam xét theo tổng quy mô…
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc tổ chức sự kiện và nêu rõ sự tham gia đông đảo của các đại biểu cho thấy sự quan tâm sâu sắc, cũng là minh chứng cho sự thành công bước đầu của NIC nói riêng và sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia nói chung.
Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và có giải pháp tạo đột phá về các lĩnh vực này, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Việt Nam phải bắt kịp, tiến cùng và vượt lên
Dành nhiều thời gian phân tích về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của đổi mới sáng tạo, Thủ tướng nêu rõ, về cơ sở chính trị, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là một trong những quốc sách hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương: Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Về cơ sở pháp lý, đổi mới sáng tạo được quy định rõ trong nhiều luật, nhất là Luật Khoa học và công nghệ chỉ rõ, đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.
Theo Thủ tướng, đổi mới sáng tạo liên quan đến nhiều quy định pháp luật, cơ chế, chính sách và cần phải được thực hiện đồng bộ, hiệu quả đối với từng chủ thể, từng ngành, lĩnh vực, địa phương và cả nước.
Về căn cứ thực tiễn, đổi mới sáng tạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, trong mọi ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, của đất nước, cũng như trên phạm vi khu vực và toàn cầu.
Đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của từng chủ thể, từng doanh nghiệp, cũng như toàn bộ nền kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh.
Điểm lại kết quả đổi mới sáng tạo ở nước ta thời gian qua, Thủ tướng đánh giá các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam hiện đứng thứ 56/100 quốc gia; Hà Nội và TPHCM lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu.
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 của Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia (tăng 2 bậc so với năm 2023, tăng 4 bậc so với năm 2022) và Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 của Liên Hợp Quốc tăng 15 bậc, từ vị trí 86/193 quốc gia lên vị trí 71/193.
Phân tích bối cảnh thế giới, trong nước thời gian tới, Thủ tướng cho rằng thế giới ngày nay đang biến đổi nhanh, khó lường; đặc biệt sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã dẫn đến những biến đổi sâu sắc với những tác động, ảnh hướng lớn trên phạm vi toàn cầu và đối với từng quốc gia, khu vực.
Đổi mới sáng tạo ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng và thực sự trở thành một động lực đột phá, không thể thiếu trong phát triển khoa học công nghệ nói riêng và chiến lược phát triển quốc gia nói chung, là chìa khóa cho phát triển nhanh và bền vững.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, đổi mới sáng tạo là một xu thế tất yếu khách quan không thể đảo ngược, là định hướng phát triển chung của thế giới hiện nay. Đối với Việt Nam, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, cũng như đóng góp của Việt Nam đối với quá trình phát triển.
Việt Nam đứng trước cơ hội lớn, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, thách thức lớn nhất là năng lực cạnh tranh về công nghệ so với các nước trong khu vực và trên thế giới; cùng với việc các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể làm chủ hoàn toàn các công nghệ tiên tiến, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây…
Thủ tướng chia sẻ 3 quan điểm thúc đẩy đổi mới sáng tạo:
Thứ nhất, đổi mới sáng tạo phải là lựa chọn chiến lược, là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ trọng tâm, là ưu tiên hàng đầu thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững.
Thứ hai, đổi mới sáng tạo phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực chủ yếu, đặc biệt là thế hệ trẻ – những chủ nhân tương lai của đất nước.
Thứ ba, đổi mới sáng tạo phải dám nghĩ, dám làm, dám hành động, dám chấp nhận rủi ro, dám vượt lên chính mình, dám dấn thân vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì tương lai tươi sáng của đất nước.
“Đổi mới sáng tạo không ngừng nghỉ, không giới hạn, không có biên giới, Việt Nam phải bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong tiến trình đổi mới sáng tạo của nhân loại”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Lấy ngày 1/10 hàng năm là Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam
Chỉ rõ 6 nhiệm vụ, giải pháp chung thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế (chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo tiếp cận các nguồn lực tài chính và hạ tầng cần thiết cho sự phát triển…).
Thứ hai, tăng cường đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng (nhất là hạ tầng chiến lược giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng giáo dục, đào tạo…).
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (tăng cường phối hợp, liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp; tập trung thực hiện Chương trình đào tạo 50.000 nhân lực chất lượng cao về trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn…).
Thứ tư, tăng cường thu hút các nguồn đầu tư tài chính (nhất là cho nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực, như AI, công nghiệp bán dẫn, năng lượng xanh, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức trong và ngoài nước…).
Thứ năm, tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia (xây dựng hệ thống quản trị quốc gia hiện đại, chuẩn mực, kiến tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp).
Thứ sáu, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế (trong đó lưu ý vừa thúc đẩy hợp tác quốc tế về chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại, vừa đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, phát triển và tiến đến làm chủ công nghệ, phát huy vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của toàn cầu…).
“Tóm lại, thể chế phải thông thoáng, hạ tầng phải thông suốt, quản trị phải thông minh và hợp tác, trao đổi quốc tế chặt chẽ, hiệu quả”, Thủ tướng phát biểu.
Chỉ ra một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể , Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo rà soát, hoàn thiện chiến lược, cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp với tinh thần tạo mọi thuận lợi và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân.
Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong các hoạt động đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp (Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không làm thay các bộ, ngành, địa phương).
Đối với các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, chú trọng chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, bám sát yêu cầu thực tiễn phong phú của các hoạt động đổi mới sáng tạo để ứng phó phù hợp với những vấn đề mới phát sinh.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức, hành động và tổ chức triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo trong từng ngành, lĩnh vực một cách bài bản và có trọng tâm, trọng điểm.
Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành tập trung triển khai Đề án đào tạo nhân lực bán dẫn.
Bộ KH&CN nghiên cứu, rà soát, có cơ chế, chính sách đột phá tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; khẩn trương xây dựng dự án luật và trình Chính phủ ban hành nghị định về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (hoàn thành trong năm 2024).
Bộ GD&ĐT đẩy mạnh đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, nhất là các chương trình đào tạo về các ngành trọng điểm, như công nghệ trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và kỹ năng số, điện toán đám mây, internet vạn vật…
Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra (Trung ương đã thống nhất quan điểm triệt để phân cấp để các địa phương thực hiện, gắn quyền với trách nhiệm).
Đặc biệt lưu ý những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương để có giải pháp phù hợp thúc đẩy đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn (không dập khuôn máy móc, tránh bệnh hình thức, chủ nghĩa thành tích).
Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân, nhất là thế hệ trẻ tham gia các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là tiếp cận với nguồn lực tài chính, hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao…
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhân dân tích cực tham gia một cách thiết thực, hiệu quả, cụ thể các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, giúp Việt Nam sớm theo kịp các nước trong khu vực, trên thế giới.
Thủ tướng nêu rõ, với tinh thần “4 cùng”: “Cùng lắng nghe, thấu hiểu”, “cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động”, “cùng làm, cùng thắng và cùng phát triển”, “cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc và tự hào”, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước người dân và doanh nghiệp, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương luôn trân trọng lắng nghe và cảm ơn những ý kiến đóng góp để rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan.
Đối với các nhà khoa học và các bạn trẻ, Thủ tướng mong các nhà khoa học, các bạn trẻ có sứ mệnh vừa là người tạo nền tảng, vừa là người thực hiện, vừa là người tiên phong cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các nhà khoa học, các bạn trẻ hãy nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm hiệu quả cao; đồng thời đề nghị các trường đại học, viện nghiên cứu tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm, chế độ đãi ngộ cho các nhà khoa học, các bạn trẻ.
Với các đối tác, các nước phát triển, Thủ tướng đề nghị hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, ưu đãi tài chính, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức thực hiện trong quá trình đổi mới sáng tạo.
Nhân sự kiện, Thủ tướng tuyên bố lấy Ngày 1/10 hàng năm là Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam để vinh danh, khích lệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, là ngày vui, ngày hạnh phúc của những người đổi mới sáng tạo.
Từng bước trở thành một đầu tàu về đổi mới sáng tạo
Thủ tướng đánh giá sự ra đời của NIC theo Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 2/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ là sự cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; với mô hình hoạt động dựa trên những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh so với khu vực và quốc tế.
Qua đó nhằm mục tiêu chủ yếu là tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thu hút đầu tư, phát triển công nghệ cao, công nghệ số, chuyển đổi xanh; tạo nền tảng, điều kiện thuận lợi để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, lực lượng trí thức khoa học công nghệ trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài.
Việc phát triển và hoạt động Trung tâm phải theo tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.
Sau 5 năm thành lập và 1 năm khánh thành khu Trung tâm, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng về cơ sở vật chất, xây dựng thể chế, chính sách (đang tiếp tục được hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất và các thủ tục hành chính thuận lợi nhất theo quy định pháp luật).
Về kết nối, thu hút các doanh nghiệp, nhiều đối tác từ các quốc gia đã tham gia, cụ thể hóa các hoạt động hợp tác thông qua các thảo thuận, bản ghi nhớ đã ký với NIC.
Về xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Trung tâm đã từng bước trở thành một trong những đầu tàu về đổi mới sáng tạo (đến nay đã phát triển gồm 10 mạng lưới thành viên và gần 2.000 thành viên tại 20 quốc gia, vùng lãnh thổ).
Trung tâm đã triển khai các hoạt động trong 9 lĩnh vực (gồm: Công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn, công nghệ môi trường, đô thị thông minh, nhà máy thông minh, công nghệ y tế, hydrogen xanh, nội dung số và an ninh mạng).
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá sự nỗ lực và những đóng góp quan trọng của NIC, Bộ KH&ĐT, của các cấp, các ngành, các địa phương và các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia, nhà khoa học trong thời gian qua, góp phần quan trọng nâng tầm vị thế và uy tín của Việt Nam về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong khu vực và quốc tế.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo phát huy hơn nữa vai trò của Trung tâm.
Trong đó lưu ý tập trung nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, các bạn trẻ; trong đó lưu ý khẩn trương sửa đổi Nghị định 94 năm 2020 quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với NIC, trình ban hành trước ngày 10/10/2024.
Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp tục mở rộng mạng lưới các chuyên gia, nhà khoa học về đổi mới sáng tạo, kết nối quốc tế, trên tinh thần đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, góp phần vào mục tiêu hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc, trong đó có NIC, đặc biệt là tuyến đường sắt đô thị kết nối với trung tâm Hà Nội.
Thủ tướng tin tưởng rằng, với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám hành động, dám dấn thân, dám đổi mới sáng tạo”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, chúng ta sẽ đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Thủ tướng kỳ vọng, với thông điệp “Đổi mới để bứt phá, vượt qua chính mình – Sáng tạo để vươn xa, bay cao trong bầu trời kỷ nguyên số và phát triển xanh của nhân loại”, Ngày hội Đổi mới sáng tạo Quốc gia của Việt Nam sẽ là ngày hội tụ trí tuệ của nhân loại và lan tỏa lợi ích mạnh mẽ cho tất cả mọi người.
“Chúng ta mong muốn và tin tưởng rằng, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia sẽ là trái tim của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, là điểm tựa cho sự phát triển vượt bậc, bền vững và hội nhập toàn cầu của các bạn trẻ. Trung tâm hãy dẫn đầu xu hướng, lan tỏa tư duy sáng tạo, nâng tầm Việt Nam thành một quốc gia khởi nguồn của đổi mới sáng tạo, có khả năng làm chủ công nghệ, vươn tầm khu vực và thế giới, không chỉ để ứng dụng mà còn đóng góp, định hình tương lai thế giới”, Thủ tướng phát biểu.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng chân thành cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ của các quốc gia, đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, nhất là các bạn trẻ đã luôn đồng hành cùng Việt Nam trong việc xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, hướng tới phát triển nhanh và bền vững, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân Việt Nam ngày càng hạnh phúc và ấm no./.
Hà Văn
Tin tức giải trí – Tổn hợp tin tức Game nhanh nhất 24/7