Mới đây, vào tối ngày 12/9, Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã đăng tải công khai danh sách của các tổ chức cá nhân ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và lũ lụt qua ứng dụng chuyển tiền ngân hàng.
Việc làm này bước đầu nhằm bảo đảm tính minh bạch, giúp mọi người có thể theo dõi việc ủng hộ. Hiện tại, Ban Vận động cứu trợ trung ương cũng đã đăng tải cụ thể danh sách các tổ chức, cá nhân ủng hộ qua số tài khoản từ ngày 1/9 đến ngày 10/9/2024.
Tuy nhiên, danh sách sao kê này được đăng tải cũng đã để lộ ra việc nhiều người nổi tiếng cũng như tập thể dù đăng tải biên lai lên trang cá nhân với số tiền ủng hộ lên tới vài trăm triệu hoặc cả tỷ đồng nhưng thực chất, số tiền ủng hộ chỉ bằng một phần rất nhỏ trong số đó. Có thể nhằm mục đích đơn giản để “khoe mẽ” hay thậm chí là “ăn bớt” của tập thể.
Cụ thể, một nhà sáng tạo nội dung với tên Việt Anh Pí Po từng chia sẻ màn hình chuyển khoản ủng hộ 20 triệu cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 vào sáng 10/9. Sau khi UBMTTQ công bố sao kê, cư dân mạng phát hiện ra số tiền thực sự là 1 triệu đồng. Người này sau đó đã đăng tải nội dung xin lỗi.
Ngoài ra, cũng có một số cá nhân đại diện cho tập thể cũng đã chuyển ủng hộ với số tiền khá nhỏ chỉ vài nghìn hay thậm chí vài chục nghìn khiến nhiều người không khỏi nghi ngờ và đặt ra nhiều nghi vấn có sự gian lận để trục lợi, hoặc vô tình người chuyển tiền “thiếu” vì sự nhầm lẫn nào đó.
Người sửa bill chuyển tiền sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Trao đổi với chúng tôi, TS.LS Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, tấm lòng với bà con vùng lũ ít hay nhiều phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của mỗi người, không ai chê trách từ thiện nhiều hay ít. Nhưng nếu dùng các phần mềm chỉnh sửa biên lai chuyển tiền để thể hiện tăng số tiền từ thiện, thì đây không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức xã hội mà còn là vi phạm pháp luật.
Theo luật sư, việc hỗ trợ đồng bào gặp hoạn nạn do thiên tai là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Tuỳ vào điều kiện cá nhân mà mức đóng góp của người dân có thể khác nhau
“Sẽ không ai nghĩ rằng người này góp nhiều thì có tấm lòng lớn hơn người góp ít, góp bao nhiêu phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người. Không ai khuyến khích việc đóng góp quá với khả năng, điều kiện, người có tâm chân thành cũng không bao giờ nghĩ rằng mình đóng góp số tiền lớn để từ thiện thì mình có tâm lớn hơn người khác”, luật sư Cường bày tỏ.
Đồng thời, luật sư cũng nhấn mạnh, thời gian qua xuất hiện một số trường hợp đóng góp tiền từ thiện với giá trị nhỏ nhưng lại chỉnh sửa biên lai theo chuyển tiền bằng cách thêm các số không (0) phía sau để tăng giá trị tiền thiện nguyện.
“Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thống kê, phân phát, có thể gây ra những nghi ngờ lẫn nhau giữa những người đóng góp và người tiếp nhận quản lý tiền, gây ra dư luận xấu nên hành vi này rất đáng trách, rất đáng lên án.
Hành vi sửa biên lai chuyển tiền của người đóng góp từ thiện không chỉ là hành vi vi phạm nghiêm trọng đại đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Đó là hành vi làm giả tài liệu và đưa tin sai sự thật.
Tuỳ thuộc vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, hậu quả xảy ra mà người sửa bill chuyển tiền sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Cường nhấn mạnh.
Luật sư Cường cho hay, nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi sửa bill chuyển tiền từ thiện đăng lên mạng xã hội gây khó khăn cho đơn vị tiếp nhận, ảnh hưởng đến hoạt động thống kê, phân phát tiền từ thiện, gây ra dư luận xấu thì người thực hiện hành vi làm bill giả, đưa tin sai sự thật lên không gian mạng sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ theo quy định tại Điều 331 BLHS.
Còn trường hợp hành vi làm giả bill chuyển tiền rồi đăng công khai lên mạng xã hội chưa gây hậu quả xấu, chưa ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người đưa thông tin sai sự thật về việc chuyển tiền từ thiện này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 10-20 triệu đồng với tổ chức và phạt từ 5-10 triệu đồng với cá nhân.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân…
“Việc Mặt trận tổ quốc Việt Nam công khai sao kê, thông tin tài khoản chuyển tiền và chi tiết số tiền từ thiện của các tổ chức cá nhân là cần thiết, thể hiện công khai minh bạch và phù hợp với quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính Phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng đóng góp các khoản đóng góp tự nguyện… Bởi vậy ngoài việc kêu gọi tiếp nhận từ thiện thì cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về hoạt động thiện nguyện mà trực tiếp là Nghị định số 93/2021/NĐ-CP. Các tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức hoạt động từ thiện và tham gia đóng góp thiện nguyện đều phải tuân thủ pháp luật và đạo đức xã hội”, luật sư Cường nói thêm.
Tin tức giải trí – Tổn hợp tin tức Game nhanh nhất 24/7