Những tưởng ban đầu chỉ là một nhận định nhạy cảm của BLV Văn Tùng, và mọi chuyện đã kết thúc sau khi anh chàng lên bài xin lỗi fan Peanut nhưng tranh cãi xung quanh tuyển thủ của Hanwha Life Esports lại chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Thậm chí, sau nhiều ngày lời qua tiếng lại, vụ việc càng có dấu hiệu vượt ngoài tầm kiểm soát hơn nữa. Như mới đây, trang fanpage của Mai Dora – vợ BLV Văn Tùng đã bị một bộ phận fan Peanut quá khích tại Việt Nam tràn vào “tấn công”. Hay như một số nhân vật không liên quan đến câu chuyện cũng bị đào lại những hành động hay phát biểu của họ xung quanh Peanut, như trường hợp của Doran và Faker.
Từ khi các giải đấu LMHT bùng nổ, và sự phát triển vượt bậc của LCK – LPL so với các khu vực khác, cũng đã kéo theo một bộ phận fan với “văn hóa đu idol” phát triển mạnh mẽ. Trên thực tế, các tuyển thủ tại LCK – LPL, nhất là những siêu sao danh tiếng, luôn có được sự đầu tư về mặt hình ảnh vô cùng chỉn chu. Bản thân những tuyển thủ nảy, rất nhiều người có ngoại hình có thể nói là đẹp trai, hoặc sáng ống kính, như trường hợp của Peanut, Keria, Faker hay Gumayusi, JackeyLove… Do đó, các đội tuyển cũng thường xây dựng visual xung quanh những siêu sao này. Thậm chí, không chỉ riêng Faker mà những tuyển thủ trên còn có những fanclub riêng. Mỗi đợt livestream hay sinh nhật, quà tặng đổ về cho các tuyển thủ này nhiều không đếm xuể.
Lợi ích của việc xây dựng các tuyển thủ LMHT theo hướng như những idol giải trí thực tế là lựa chọn đúng đắn. Ở những quốc gia có nền giải trí hùng hậu như Trung – Hàn, sẽ là phí phạm nếu không tận dụng nguồn fan khổng lồ. Chưa kể, việc mở rộng tệp người xem ra khỏi giới game thủ còn giúp chính các tuyển thủ có thêm nguồn thu nhập lớn, và lan tỏa sức ảnh hưởng của Esports nói chung và LMHT nói riêng. Thậm chí, tại LCK, các tuyển thủ như T1 thường xuyên có những buổi tiếp xúc với các idol giới giải trí như BTS, NewJeans… để tận dụng thêm lượng fan từ các nhóm nhạc này.
Tuy nhiên, khi mọi thứ trở nên vượt ngoài tầm kiểm soát, thì ngay lập tức sẽ có những “tác dụng phụ” đi kèm mà trong trường hợp này, chính là “văn hóa đu idol”. Có lẽ, hình ảnh “truck-kun” không còn xa lạ với các fan LMHT nữa, nhất là những đội tuyển đông fan như T1. Đáng nói, mỗi khi những chiếc xe tải này xuất hiện, chưa bao giờ là kèm theo những thông tin tích cực. Trong đội tuyển T1, có lẽ chỉ còn có mỗi Faker là fan vẫn còn kiêng nể chưa gửi xe tải. Những tuyển thủ như Gumayusi hay Oner còn phải nhận những lời lẽ vô cùng nặng nề. Đáng nói, đây chính là cách bày tỏ sự anti hay chỉ trích vốn quen thuộc hơn cho giới showbiz.
Hay như những ngày qua, vụ việc Peanut một lần nữa làm bùng lên tranh cãi việc “idol hóa” những tuyển thủ LMHT. Trong số các bình luận của một bộ phận fan T1, có không ít là những ý kiến cho rằng chính nhờ fangirl hay nói cách khác là “văn hóa đu idol” mà các tuyển thủ có thêm thu nhập và các đội tuyển mới có thể tồn tại. Đó là chưa kể những câu chuyện “ship tuyển thủ với nhau” gây tranh cãi từ một bộ phận fangirl khiến cộng đồng có không ít ý kiến tiêu cực.
Nhưng trên thực tế, ai cũng hiểu nguồn thu từ quà tặng donate trên kênh stream, hay việc mua các sản phẩm được các đội kinh doanh (poster, card bo góc, áo, mũ…) thì một phần lớn trong doanh thu sẽ được chi trả cho các bên thực hiện công việc in ấn, sản xuất sản phẩm. Số còn lại sau những chi phí đó mới thuộc về đội tuyển và tuyển thủ. Còn nguồn thu từ donate thì phải chỉ trả cho ekip cũng như nền tảng. Do đó, với các tuyển thủ tại LCK và LPL, số lượng quà cáp donate này hay nguồn thu từ áo mũ chỉ là “một phần” chứ không phải “mang tính quyết định”. Thậm chí, rất nhiều tuyển thủ sẵn sàng bỏ buổi stream để nghỉ ngơi hoặc khi họ đang lên sóng mà gặp vấn đề.
Chưa kể, đối với một bộ phận fan đã quen với văn hóa “đu idol”, những cuộc tranh cãi xung quanh thần tượng của họ đa phần đều có xu hướng toxic. Như vụ tranh cãi của Peanut mới đây, đã kéo theo một loạt nhân vật vốn không liên quan vào câu chuyện, như Mai Dora, hay mới đây là SofM. Trong khi đó, “nhân vật chính” của câu chuyện là Peanut thì thậm chí chẳng hay biết gì ở một đất nước xa xôi đang có tranh cãi xung quanh bản thân mình.
“Văn hóa idol” thực chất không hề xấu và thậm chí việc các tuyển thủ ngày càng có nhiều fan, nhất là fangirl thì càng cho thấy LMHT và Esports đã lan tỏa mạnh mẽ. Tuy nhiên, chính các fan cũng cần có những hành vi tiết chế vì không những khiến cộng đồng mâu thuẫn mà còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh chính các tuyển thủ trong mắt khán giả.
https://gamek.vn/van-hoa-du-idol-trong-lmht-con-dao-hai-luoi-cho-tuyen-thu-ran-nut-cong-dong-va-nhung-nguoi-vo-can-178240514172816952.chn
GameK.vn – Trang chủ – Tổng hợp tin tức game mới nhất trong ngày