Như đã biết, trong những ngày qua, VCS đang thực sự rúng động vì những drama liên tục xoay quanh nghi án tiêu cực. Đáng nói, lần này Riot và BTC VCS có vẻ đã quyết định sẽ có một cuộc “đại thanh trừng” khi sự việc không chỉ tồn tại trong vòng 1 đội tuyển như hồi Mùa Hè năm ngoái. Chưa kể, Riot chỉ vừa tiếp quản và tái khởi động giải đấu VCS hơn 1 năm thì đã có 2 mùa giải liên tiếp xuất hiện tiêu cực. Đây thực sự là “giọt nước tràn ly” buộc nhà phát hành này cũng như các bên liên quan phải thực sự mạnh tay một cách triệt để.
Nhưng có thể nhiều người sẽ cảm thấy Riot đang quá mạnh tay và quá kỷ luật trong vụ việc lần này. Thực tế, nếu đã theo dõi VCS đủ lâu, khán giả sẽ không hề ngạc nhiên khi việc Riot quyết tâm “làm căng” một lần và mãi mãi là kết quả của một chuỗi domino những sự kiện lớn nhỏ đã xảy ra trong nền LMHT Việt. Và trong đó, không thể không nhắc đến Garena – nhà phát hành LMHT tại Việt Nam kiêm điều hành giải đấu VCS trước đó.
Đòn cảnh cáo cần thiết
Như đã đề cập ở trên, chỉ sau hơn 1 năm Riot tiếp quản và tái khởi động giải đấu VCS thì đã có 2 án tiêu cực đã và đang được phanh phui. Đối với một khu vực từng được chính các “sếp lớn Riot” đánh giá là giàu tiềm năng phát triển, thì những sự việc này không khác gì cú tát vào mặt Riot. Và có lẽ, chính bên phía Riot cũng ngỡ ngàng khi mức độ và số lượng các vụ tiêu cực liên quan đến gian lận, bán độ hay dàn xếp tỉ số tại VCS lại cao như thế.
Và việc Riot quyết liệt lần này, không những để trị dứt điểm “một lần và mãi mãi” mà còn để cảnh cáo tất cả các đội tuyển, tuyển thủ sẽ tham gia LMHT chuyên nghiệp tại Việt Nam trong tương lai. Ngay cả các hoạt động truyền thông thông thường cũng bị đình trệ và Riot sẵn sàng hủy bỏ mọi kết quả, cũng như các vòng đấu mà họ đã lên lịch trình là đủ để cho thấy một sự khẳng định: vì sự trong sạch của VCS, Riot và BTC VCS sẽ làm mọi cách có thể, kể cả có phải tái khởi động lại giải đấu từ con số 0, như trường hợp giải LDL là một ví dụ.
Garena cũng phải chịu một phần trách nhiệm
Sự việc nghiêm trọng lần này của VCS và trước đó là vụ việc của SBTC Esports còn cho thấy một sự thật: gần như chắc chắn, những tiêu cực đã tồn tại từ rất lâu trong làng LMHT chuyên nghiệp tại Việt Nam. Và khi đó, đáng nói là không có bất kỳ án tiêu cực nào bị phanh phui. Tất cả chỉ nằm ở những nghi vấn của khán giả khi chứng kiến đội tuyển của họ có những trận thua bạc nhược một cách khó tin. Án phạt đáng chú ý nhất từng được đưa ra có lẽ chỉ là cho trường hợp của Team Flash hồi năm 2020. Nhưng ngay cả án phạt khi đó được đăng tải trên trang fanpage của VCS, thì vẫn là do vi phạm của TF ở bộ môn… Liên Quân Mobile.
Có lẽ không cần là một người quá am hiểu LMHT hay Esports để có thể có thắc mắc: Tại sao dưới thời Garena thì VCS lại quá yên bình trong khi Riot vừa tiếp quản hơn 1 năm đã có chuyện? Những án phạt của Garena quá nhẹ (đến mức không ai thèm tố cáo) hay còn có nội tình gì uẩn khúc? Nhưng rõ ràng, thông điệp của Riot có lẽ cũng là để cho cộng đồng VCS hiểu rằng: họ chắc chắn sẽ nặng tay hơn Garena trong việc xử lý tiêu cực, mà tiêu biểu là vụ việc lần này.
Lấy lại niềm tin cho người hâm mộ
Nếu trải nghiệm mạng xã hội thường xuyên, nhất là lướt vào các kênh chuyên về LMHT Việt, có lẽ không còn quá xa lạ với những nhận định “đánh như bán độ”, “cần điều tra gấp”, “đang đánh thì có ting ting”… Tất cả những ý kiến này, có thể là đùa vui nhưng cũng có thể là những nhận định thể hiện sự chán nản của không ít khán giả VCS về màn trình diễn của các đội. Đáng nói, trong giai đoạn VCS vướng nghi vấn tiêu cực, không ít khán giả đã chỉ ra trận Team Whales – MGN Blue Esports rất có vấn đề.
Nhưng những ý kiến trên còn cho thấy: khán giả VCS đã quá quen với những mập mờ trong cách thi đấu của các tuyển thủ ở nhiều trận đấu. Lâu dần, trở thành một khái niệm in sâu vào tiềm thức. Và tất nhiên, những bình luận chỉ “vô thưởng vô phạt” nhưng có thể vô tình lại ảnh hưởng đến sự tin yêu của khán giả dành cho các tuyển thủ, các đội tuyển.
Bảo vệ những nhân tố trẻ trong tương lai
VCS đang ngày càng già cỗi với những cái tên quen mặt và có lẽ chỉ có thay đổi duy nhất là… đổi đội. Rainbow Warriors là nhân tố từ VCS B thăng hạng, nhưng họ lại gồm toàn “người quen” của VCS như Artifact, 2T và thậm chí là cả… Noway. Nhân tố trẻ đang vô cùng khan hiếm tại VCS. Và sẽ càng tai hại hơn nữa nếu họ để đồng tiền làm mờ mắt mà vướng vào các tiêu cực.
Tuyển thủ LMHT nói riêng và Esports nói chung thường phải theo đội từ rất sớm và tập trung chơi game. Một số đội có đầu tư thì có thể đảm bảo phần học văn hóa cho tuyển thủ nhưng tốt lắm thì cũng chỉ hết bậc phổ thông. Kỹ năng mềm là thứ cần trau dồi nhưng cũng là yếu tố mà hầu hết mọi tuyển thủ LMHT Việt đều còn thiếu. Đó là lý do dù còn rất trẻ và tương lai xán lạn, nhưng không ít sao trẻ lại quyết định “nhúng chàm”.
Chưa kể, trong chính đội tuyển, những người vi phạm và chủ mưu còn có thể là người thầy đang dạy bảo các tuyển thủ này hàng ngày. Những ảnh hưởng chắc chắn là không hề nhỏ và không ai đảm bảo tất cả các tuyển thủ trẻ đều sẽ đủ nghị lực để vượt qua cám dỗ khi ngay cả tấm gương trực tiếp đang dìu dắt mình cũng vi phạm. Do đó, bản thân là nhà điều hành có toàn quyền, Riot cần và phải mạnh tay triệt để. Để những sao trẻ có niềm tin vào lựa chọn của bản thân cũng như chính các bậc phụ huynh có niềm tin để trao gửi con em cho Esports chuyên nghiệp.
Kết
Theo như một nguồn tin trong ngành, Riot quyết diệt tận gốc tiêu cực lần này. Và đó cũng là mong mỏi của cộng đồng LMHT Việt – những người đang rất hoang mang và mất niềm tin vào sự trong sạch của giải đấu LMHT hàng đầu Việt Nam.
GameK.vn – Trang chủ – Tổng hợp tin tức game mới nhất trong ngày