Còn nhớ vào chương trình Táo quân năm 2013, có một phân cảnh mà diễn viên Thành Trung vào vai cầu thủ bóng đá, khóc lóc thảm thiết về tình cảnh của bản thân và gia đình. Để rồi sau đó, Táo Văn Thể (diễn viên Minh Hằng) có nói một câu “Rồi, được rồi, đừng diễn nữa, em diễn tốt lắm. Đi vào đi, khán giả thông cảm lắm rồi”.
Hình ảnh cắt từ video clip Táo quân 2013
Một tình huống kịch diễn ra đã được gần 9 năm, bỗng nhiên lại rất đúng và hợp ngữ cảnh với hiện trạng của mạng xã hội bây giờ, nhất là trong bối cảnh bùng nổ về nghề streamer/TikToker đi kèm với “content bẩn”. Để có được sự nổi tiếng, theo dõi của khán giả, không ít streamer/TikToker đã cùng nhau xây dựng nên hàng loạt kịch bản, trong đó không thiếu những nội dung lệch lạc cả về tư duy lẫn đạo đức, đi ngược lại với quy chuẩn của xã hội và thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.
Để rồi khi cư dân mạng lên án thì… những giọt nước mắt đã rơi kèm theo lời thanh minh đại loại như “chúng tôi không cố ý” trên livestream. Thế nhưng, khán giả là những người văn minh, họ thừa biết rằng các streamer/TikToker trẻ này đã làm gì và muốn gì.
Hãy nhớ lại clip nữ streamer bị đồng nghiệp nam chui vào giường ngủ chung, đến khi phát hiện thì có một phản ứng dữ dội, liên tiếp văng tục và cố gắng tỏ ra mình không hề biết sự thật là gì.
Khán giả tinh tế nhận ra… đi ngủ cũng trang điểm rất xinh
Nhưng khán giả thì rất tinh ý và đặt luôn một câu hỏi “chẳng có ai đi ngủ mà lại trang điểm đậm như thế kia cả”. Vậy mới vỡ lẽ ra rằng, tất cả những phản ứng dữ dội, “lời thoại” thì tục tĩu của cô nàng chỉ là dàn dựng. Và nữ streamer kia thì cũng diễn thật sự chuyên nghiệp, văng tục cũng rất chuyên nghiệp.
Những pha “ra đòn” thật sự “giả trân”
Đến clip thứ hai, anh chàng quản lý “ngây thơ” trở thành nhân vật bị troll. Nhưng như đã nói, không khó để nhận ra “Mr Quản Lý” này từng xuất hiện trong không ít các video clip hài trên YouTube, thậm chí không ít lần thủ vai chính. Rồi từ cách đặt góc máy, chuyển cảnh trong cả hai clip trên, có lẽ chỉ những người thực sự ngây ngô mới bị qua mặt rằng đây là câu chuyện… không có kịch bản.
Content độc hại như trên… “có an toàn không?” (hình ảnh cắt từ một clip quảng cáo do anh quản lý đóng vai chính)
Phản ứng của khán giả đã nói lên tất cả. Dù nước mắt có rơi, dù có biện minh bằng văn nói hay văn viết thì đa phần người xem đều có chung một nhận định rằng cần phải lên án, loại bỏ những nội dung tục tĩu, đồi bại như thế này ra khỏi mạng xã hội.
Bởi những loại hình nội dung mang tính câu view rẻ mạt như thế này vô hình chung sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến khán giả, đặc biệt là người xem nhỏ tuổi. Sẽ thế nào khi các em nhỏ xem clip mà có cả ngôn từ vốn chỉ xuất hiện trong các bộ phim “người lớn” được “văng” ra từ người quản lý, vốn cũng là một gương mặt quen thuộc trên các video hài trước đây – đó là “t.h.r.e.e s.o.m.e”. Hệ lụy sẽ rất lớn, chỉ là nó cứ diễn ra âm thầm và lặng lẽ, cho đến khi hậu quả thực sự xảy ra, thì sợ rằng đã quá muộn rồi.
Tin tức Game – Tổng hợp tin tức game mới nhất trong ngày